4 nguyên tắc ra quyết định của Richard Branson - VnExpress Kinh Doanh

Năm 2012, Chính phủ Anh thông báo hãng Virgin Trains đã thua thầu và mất quyền điều hành tuyến đường sắt West Coast. Virgin Trains đã quản lý tuyến đường trị giá 7 tỷ bảng Anh này trong 15 năm, mở rộng mạng lưới và tăng số hành khách mỗi năm từ 13 triệu lên 30 triệu. Richard Branson - Chủ tịch Tập đoàn Virgin - công ty mẹ của Virgin Trains, viết trong cuốn  "The Virgin way: Everything I know about leadership" (Phong cách Virgin: Tất cả những điều tôi biết về nghề lãnh đạo) rằng ông đã vô cùng "choáng váng và bối rối" khi để mất thầu vào tay FirstGroup.

Ông im lặng trong một thời gian, tham khảo các luật sư và cố vấn để xem liệu Virgin có bị xử thua một cách công bằng hay không. Mọi ý kiến đều cho rằng các số liệu của FirstGroup là không bền vững, có nghĩa Chính phủ Anh đã nhầm lẫn trong khâu tính toán. Dù vậy, các nhân viên cấp cao của công ty đều cho rằng Branson sẽ chỉ phí thời gian và làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình nếu khởi kiện. Sau khi cân nhắc kỹ càng, ông vẫn quyết định đâm đơn ra tòa.

Richard-Branson-1475-1437992946.jpg

Richard Branson không bao giờ hành động vội vàng. Ảnh: Guardian

Một tuần trước phiên toà xử khiếu kiện với Bộ Giao thông tại Tòa án tối cao Vương quốc Anh, Branson nhận cuộc gọi từ thư ký của Bộ. Sau khi kiểm tra lại, Bộ đã thừa nhận sai sót của mình và trao lại quyền quản lý cho Virgin với những điều khoản tốt hơn.

Quyết định của Branson cuối cùng đã cứu công việc kinh doanh và là một trong những quyết định đáng giá nhất của tỷ phú này. Trong cuốn sách của mình, ông nêu rõ 4 quy tắc giúp ông quyết định trong những tình huống khó khăn.

1. Đừng hành động cảm tính

Branson đã rất sốc trước tin Virgin Trains thua thầu, nhưng ông đủ kinh nghiệm để hiểu rằng mình cần trấn tĩnh lại và thu thập chứng cứ thay vì để cảm xúc điều khiển bản thân. Nếu chỉ hành động theo cảm tính mà không suy xét cẩn thận, có thể đơn kiện của ông đã bị bác bỏ, và ông sẽ trở thành người hấp tấp, nóng vội trong mắt mọi người.

"Với những cảm xúc tích cực cũng vậy. Hãy dành đủ thời gian cân nhắc để quyết định của bạn không bị ảnh hưởng bởi ấn tượng ban đầu", ông khuyên.

2. Tìm điểm yếu

Branson luôn tính tới bất kỳ trường hợp xấu nào có thể xảy ra trước khi đi đến quyết định.Trong vụ kiện trên, ban đầu các luật sư của Branson cho rằng ông chỉ có 10% cơ hội thắng. Nhưng sau khi thu thập những bằng chứng cho thấy sai sót trong số liệu của đối thủ, ông nhận ra mình có trong tay công lý và sự ủng hộ của khách hàng.

"Không có gì là hoàn hảo, vì vậy hãy cố gắng nhận ra những nguy cơ tiềm tàng vào loại bỏ chúng, chỉ bằng cách đó mới khiến tình hình được cải thiện", ông viết.

3. Nhìn xa trông rộng

Trước khi quyết định, Branson luôn xem xét liệu quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới những kế hoạch khác của ông, cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn.

"Đây có thể là một cơ hội tốt không thể bỏ lỡ, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới những kế hoạch và dự định khác như thế nào, liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện nó không, và rủi ro sẽ là gì? Liệu cơ hội này có nhiều triển vọng để thành công hơn những dự án khác hay không?", ông viết.

Branson lấy một ví dụ điển hình là việc chủ tịch kiêm CEO Mickey Arison của Tập đoàn Carnival quyết định đi xem trận bóng rổ của đội Miami Heat. Nhưng đó lại đúng là ngày mà một du thuyền của công ty ông chìm gần một hòn đảo ở Italy, khiến 32 người thiệt mạng và bị thương nhiều người khác. Arison sau đó lại tự hủy hoại danh tiếng của mình cũng như của công ty, khi có hành động tương tự vào ngày một con tàu khác của ông cạn nhiên liệu khiến các hành khách lênh đênh trên biển 5 ngày trời mà không có điện và nước ngọt.

4. Bảo vệ điểm yếu

Trong một bài viết trên mạng xã hội LinkedIn, Branson chia sẻ rằng bài học hay nhất mà cha dạy ông là phải biết bảo vệ điểm yếu, nghĩa là hạn chế những tổn thất có thể xảy ra trước khi tiến hành một phi vụ mới.

Cha của Branson nói rằng ông sẽ được phép nghỉ học ở tuổi 15 để thành lập một tờ tạp chí cho sinh viên, chỉ khi ông có thể thu về 4.000 bảng tiền quảng cáo để trang trải chi phí cho giấy và in ấn.

Branson đã một lần nữa áp dụng chiến thuật này vào năm 1984 khi có quyết định trọng đại là lấn sân hàng không với Virgin Atlantic. Ông chỉ có thể thuyết phục được các cộng sự của mình ở Virgin Records chấp nhận thương vụ này sau khi hãng Boeing đồng ý sẽ thu hồi chiếc Boeing 747 của Virgin nếu tình hình kinh doanh không theo đúng kế hoạch đề ra sau một năm.

Hà Tường (theo BI)