Miên man cùng thịt kho tàu - CA TP.HCM

Miên man cùng thịt kho tàu - CA TP.HCM

Món ăn đậm chất Nam bộ - điều không thể thiếu của Tết

Nhiều người lầm tưởng món thịt kho trứng của người Nam bộ có nguồn gốc từ... Trung Hoa. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Các nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ đều xác định món thịt heo kho với trứng vịt và nước dừa không có bà con họ hàng với bất kỳ một món ăn nào tương tự ở xứ Trung Hoa. Theo nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc, chữ "tàu" có nghĩa là "lạt", là một món thịt nấu cho mềm, không quá lạt để ngán mà không quá mặn để có thể kết hợp với nhiều món ăn khác. Có nhiều giải thích cho nguồn gốc món ăn truyền thống này. Người thì cho rằng món có xuất xứ từ nền nông nghiệp lâu đời của người Việt, ngày trước quanh năm bữa cơm hàng ngày chỉ là rau dưa, cá tôm đánh bắt được; sau nhà nuôi một hai chú lợn để dành tết nhất, ngày 28 - 29 tháng chạp xẻ thịt, mọi người quanh xóm chia nhau chuẩn bị mâm cúng tổ tiên mà người ta hay gọi là tục chia thịt ngày tết. Có người lại cho rằng vì thịt kho tàu để được lâu, càng nấu đi nấu lại nhiều lần thịt càng rục và ngon vì ngày xưa là sau ngày hạ nêu (chiều mùng 7 Tết ) chợ mới nhóm lại.

Trong mỗi chúng ta ai cũng đều biết đến câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Thịt mỡ trong câu đối này cũng bắt nguồn từ món thịt kho với trứng vịt. Thịt kho tàu càng nấu qua nhiều lần lửa càng ngon, béo mà không ngậy. So với cách kho thịt của người miền Trung thường mặn thì món ăn này nhạt lại ngon hơn.

Ngày tết là ngày đoàn viên mà mọi người trở nên thân ái, gần gũi nhau hơn và bỏ qua những câu nệ trong ngày thường. Chúng ta cùng nâng ly chúc mừng, nhìn lại một năm đã qua và cùng hướng nhìn trong năm mới. Những lúc ấy, khi đã ăn uống chán chê thì món thịt kho tàu lại rất hấp dẫn. Nó kết hợp với đủ thực phẩm ngày tết như: cơm, bánh tráng, bánh tét, bánh chưng... Sau cơn say chếnh choáng, quý ông lại tìm đến nồi thịt với cơm nguội để chống đói. Mẹ con lại chia nhau từng quả trứng vịt, sẻ cho nhau từng miếng thịt mà tiếng cười nói râm ran. Có lẽ vì vậy mà món ăn này rất thông dụng trong mọi gia đình Nam bộ.

Nhiều bậc cố cựu bảo, cứ vào ngôi nhà nào ở Sài Gòn hay các tỉnh còn lại của Nam bộ, thấy nồi thịt kho tàu lớn, đồ sộ, nhiều thịt, nhiều trứng, khi bày biện ra dĩa thì dùng dĩa lớn sẽ biết khả năng tài chính của gia chủ. Nhà giàu ăn nồi thịt kho lớn và ngược lại. Điều này bắt nguồn từ sự chuẩn bị cầu kì từ trước tết là gia đình phải mua bao nhiêu kí thịt để tích trữ.