12 bài học kinh doanh từ Tony Robbins - NCĐT

12 bai hoc kinh doanh tu Tony Robbins - Anh 1

Tony Robbins là một chuyên gia phát triển năng lực con người kiêm diễn giả nổi tiếng thế giới, với hàng loạt khách hàng nổi tiếng như: Oprah Winfrey, Andre Agassi, Bill Clinton, Serena Williams, Leonardo DiCaprio, Nelson Mandela…

Dưới đây là một vài lời khuyên đáng chú ý mà Tony đã đưa ra.

1. Người tài sẽ biết ai là người tài.

Nếu bạn không chắc chắn về việc tuyển người giỏi nhất ở đâu, hãy chịu khó đi hỏi. Tìm đến những người giỏi nhất trong lĩnh vực mà bạn mong muốn, rồi nhờ họ chỉ ra các tiêu chí mà bạn cần tìm, hoặc giới thiệu những người mà họ thấy có đủ tiềm năng.

2. Hãy nhớ 6 nhu cầu cơ bản của con người.

Tất cả chúng ta đều muốn có một chút (1) chắc chắn xen lẫn (2) bất định, (3) ý nghĩa trong hành động và (4) cảm giác được yêu mến, cũng như (5) thấy mình đang trưởng thành và (6) được đóng góp vào một điều gì đó. Hầu hết mọi người đều tập trung vào 2 trong số 6 nhu cầu đó. Bạn nên đặt những người có chung nhu cầu vào một nhóm.

3. Một ứng viên giỏi chuyên môn là chưa đủ

Hãy tìm một người có thể làm tốt công việc, đồng thời có thể gắn kết mục tiêu dài hạn của bản thân họ với công việc được giao. Một khi có ai đó như vậy, hãy tạo mọi điều kiện để họ làm việc và đừng ngáng chân họ.

4. Làm chủ doanh nghiệp, thay vì người điều hành kinh doanh.

Bạn cảm thấy căng thẳng về công việc kinh doanh của mình, điều đó có nghĩa bạn đang đóng vai trò là một nhà điều hành kinh doanh chứ không phải là một chủ doanh nghiệp. Khi đó, nếu bạn ngừng làm việc, công việc kinh doanh của bạn cũng sẽ dừng hoạt động theo. Bạn cần phải có tầm nhìn chiến lược, và xây dựng được một mô hình có thể vận hành trơn tru mà không cần bạn bên cạnh.

5. Người thắng cuộc dự đoán tương lai, kẻ thua cuộc chỉ biết giải quyết chuyện đã rồi.

Làm chuyện đúng là chưa đủ, mà còn phải biết làm đúng thời điểm nữa. Luôn có những thách thức bủa vây, và quan trọng là bạn phải biết những người đã từng vượt qua được trở ngại để từ đó bạn có thể học cách tránh được chúng.

6. Hãy quên lợi nhuận đi, dòng tiền mới là quan trọng

Một kế toán viên có thể cho bạn biết chính xác lợi nhuận của công ty nhưng hãy luôn nhớ rằng, lợi nhuận chỉ là một định nghĩa về mặt kế toán. Những gì bạn thật sự cần là một giám đốc tài chính, ngưởi có thể diễn giải tất cả những dữ liệu bạn cần qua các số liệu thực tế quan trọng (trong đó có dòng chảy tiền mặt).

7. Hãy nhớ câu chuyện về Mel Fisher.

Trong suốt 17 năm ròng rã, Mel Fisher (một thợ săn kho báu người Mỹ) vẫn miệt mài tìm kiếm vàng mặc dù kết quả của những cuộc tìm kiếm vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Mặc dù vậy, mỗi ngày ông ta đều cố gắng làm việc để tìm kiếm số vàng đó, trước khi có được thành quả cuối cùng là kho báu trị giá 450 triệu USD. Mel quyết tâm làm điều này vì ông ta biết số vàng ông đang tìm kiếm ở đó, cũng như biết rằng mình có thể tìm được, và hiểu rõ giá trị của kho báu. Nếu không có 3 yếu tố trên, các chủ doanh nghiệp sẽ không có đủ động lực để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

8. Biết lựa chọn và gạt bỏ những cơ hội.

Nếu bạn là người giỏi, sẽ có rất nhiều cơ hội tìm đến bạn. Bạn phải có đủ cứng rắn để khiến bản thân không dao động. Đừng để bị xao lãng và mất tập trung, dù bạn có là một doanh nhân tài ba như thế nào đi chăng nữa.

9. Xác định khách hàng lý tưởng của bạn.

Nếu bạn không biết chính xác ai là khách hàng của mình, và bạn vẫn chưa thể nhận diện ra họ trên đường phố, có lẽ bạn vẫn chưa xác định nghiêm túc mục tiêu của mình.

10. Làm khách hàng hài lòng là chưa đủ, hãy biến họ thành fan cuồng

Một khách hàng hài lòng chỉ đơn giản là hài lòng, thế nên đôi khi họ sẽ quay lại với bạn, đôi khi chẳng thấy họ đâu. Fan cuồng thì khác, họ chính là những khách hàng nhiệt tình sản phẩm hay dịch vụ của bạn đến độ họ không thể ngừng việc nói với người khác về chúng.

11. Bám vào nguyên tắc 80/20

Khi một học trò của Tony là Brian Roberts vận hành doanh nghiệp bán vỉ nướng Gold Grills, anh nhận ra rằng tuy các khách hàng đến từ hàng chục quốc gia nhưng lại có đến 80% tập trung ở bốn bang miền Nam nước Mỹ. Tuy Gold Grills có hàng chục sản phẩm nhưng lại bốn sản phẩm chiếm đến 80% doanh thu. Bài học ở đây là hãy xác định thị trường và mặt hàng chủ đạo để tập trung đầu tư mọi thứ vào đó.

12. Sống vì người khác nhiều hơn

Người ta hay bảo rằng chúng ta hành động vì mục đích tư lợi của bản thân. Sự thật thì hoàn toàn trái ngược, chúng ta hay giúp đỡ người khác nhiều hơn là bản thân mình. Biết lập ra các chiến lược kinh doanh là rất tốt, nhưng điều quan trọng hơn là bạn phải biết xác định một mục tiêu có ý nghĩa cho cộng đồng để giúp bạn đi đúng hướng.

Ý Nhi

Nguồn BI