Triệu phú Tomas Gorny rời Ba Lan đến Mỹ trong những năm 90, khi đó ông mới chỉ 20 tuổi. Hầu như không nói được tiếng Anh, Gorny đã phải làm việc bán thời gian tại một bãi đậu xe và thậm chí phải làm sạch thảm trong vài năm đầu sống tại Mỹ. Giờ đây, ông là một doanh nhân thành công, quản lý ba công ty lớn bao gồm Nextiva - một công ty dịch vụ kinh doanh điện thoại điện toán đám mây có doanh thu 100 triệu USD năm 2015. Ông đã bán công ty khởi nghiệp trước đây của mình, bao gồm International Endurance - công ty được mua bởi Warburg Pincus và Goldman Sachs với cái giá lên tới 1 tỷ USD.
Gorny có thể không phải là cái tên nổi tiếng ở Thung lũng Silicon nhưng từ câu chuyện cuộc đời ông, ai cũng sẽ tìm thấy điều gì đó để học tập. "Những gì tôi đã học được cho đến nay là những gì cho phép tôi làm những gì tôi có bây giờ", Gorny chia sẻ trên tờ Business Insider.
Triệu phú 22 tuổi đối mặt với nguy cơ phá sản
Ngay từ khi còn trẻ, Gorny luôn muốn tự kinh doanh. Ở tuổi 17, ông quản lý một dịch vụ phân phối máy tính ở châu Âu. Khi chuyển đến Mỹ, ông gia nhập một công ty lưu trữ web có tên gọi Internet Communications và trở thành một trong những thành viên đầu tiên.
Triệu phú Tomas Gorny hiện dành phần lớn thời gian quản lý công ty Nextiva. Ảnh: Glassdoor
Trong thời gian làm việc tại Internet Communications, Gorny phải làm nhiều công việc bán thời gian để trả tiền các khoản trả trước ô tô và tiền thuê nhà. Nhưng chỉ hai năm sau đó, Internet Communications được mua lại bởi công ty Interliant. Ngay lập tức, Gorny trở thành một triệu phú khi chỉ mới 22 tuổi.
Sở hữu tài sản khủng, Gorny bắt đầu đầu tư vào các công ty khác. Vấn đề duy nhất: sự sụp đổ của bong bóng dot-com và vụ khủng bố 11/9 ngay sau đó đã tiêu tán phần lớn tài sản của Gorny. Ông chỉ còn lại một chiếc xe hơi và chưa đầy 10.000 USD. Vợ ông phải làm việc theo giờ để có tiền trang trải cuộc sống. "Tôi đặt ra mục tiêu phải có tài sản khủng và đó là một sai lầm. Tất cả mọi thứ đột nhiên sụp đổ," ông nói.
Trở lại ngoạn mục
Tuy vậy, Gorny vẫn còn sự thành thạo kỹ thuật và rất nhiều kinh nghiệm về không gian lưu trữ web. Đó chính là “vốn liếng” để ông thành lập công ty khởi nghiệp có tên gọi iPower vào cuối năm 2001. Công ty này chuyên cung cấp trang web lưu trữ cho các doanh nghiệp nhỏ. Nhờ chi phí rẻ và tính dễ sử dụng, iPower nhanh chóng phất lên. "Ngay sau thất bại năm 2001, tôi đã xây dựng nhiều công ty. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm", Gorny nói.
Đến năm 2007, iPower đã trở thành một trong những công ty lưu trữ web lớn nhất tại Mỹ và sau đó sáp nhập vào Endurance International. 4 năm sau đó, công ty được bán lại với giá gần 1 tỷ USD cho Warburg Pincus và Goldman Sachs. Và Gorny là một trong những cổ đông lớn nhất khi Endurance được bán lại. Gorny giờ đây giàu có và thành công. Nhà triệu phú tự đứng ra thành lập 3 công ty mới sau khi bán Endurance, bao gồm Nextiva, United Web, và một công ty bảo mật web được gọi là Site Lock.
Bài học kinh nghiệm
Từ những thăng trầm trong kinh doanh, Gorny chia sẻ ông đã rút ra những bài học có giá trị, có thể áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Gorny tóm gọn chúng qua sáu điểm sau đây:
Đừng chỉ nghĩ về chiến lược thoái vốn: Đừng nên bắt đầu một công ty với mục tiêu bán nó đi. Thay vào đó, tập trung vào việc tạo ra giá trị sử dụng thực sự cho người tiêu dùng. Điều đó không có nghĩa là không bán khi cần thiết, nhưng bán công ty không bao giờ nên là trọng tâm. "Khi tôi mất tất cả tài sản năm 2001, tôi hoàn toàn từ bỏ quan điểm tập trung kiếm tiền. Sự thành công thực sự của một doanh nghiệp nằm ở giá trị mà nó cung cấp," ông nói.
Đừng nàn khi bị đánh giá thấp: Gorny bắt đầu kinh doanh khi còn rất trẻ, và ông có một giọng đặc Đông Âu, điều này khiến một số người không thực sự coi trọng ông. Gorny chia sẻ rằng ông đã dùng chính lợi thế của mình để có vượt qua những người đánh giá thấp ông. "Việc người ta đánh giá thấp bạn đôi khi còn là động lực cho bạn, và qua một số cách khác nhau, đó có thể là một nguồn sức mạnh lớn" ông nói.
Làm việc với những người "tốt:" Đừng lãng phí thời gian để chịu áp lực khi làm việc với những người mà bạn không thích. "Tôi chỉ có thể đương đầu với sự căng thẳng từ công việc kinh doanh nhưng tôi không muốn đau đầu vì mối quan hệ trong công ty".
Đầu tư tốt nhất là đầu tư vào bản thân: Sau khi trải qua thua lỗ vì đầu tư vào dot-com, Gorny trở nên "dè dặt" khi đầu tư vào người khác. Thay vào đó, ông dành nhiều thời gian tìm cách để đầu tư vào bản thân mình. Đó là lý do tại sao không công ty nào của ông có nhà đầu tư bên ngoài.
Động lực tiến lên trong cuộc đua: Không có nhà đầu tư bên ngoài đồng nghĩa với việc Gorny phải đặt rất nhiều tiền riêng vào công ty khởi nghiệp. Ông tin rằng điều đó thường giúp ông đưa ra quyết định sáng suốt hơn, bởi ai cũng có xu hướng chi tiền của mình khác với khi dùng tiền không phải của mình. "Tôi quyết định thận trọng hơn bởi vì tôi muốn tránh những mặt trái," ông nói.
Học phí chính là thất bại: Để đến với thành công, Gorny phải đối mặt với không ít thất bại. Và ông tin rằng những thất bại đã dạy cho ông những bài học quý giá nhất. Đó là lý do tại sao ông không tự hào vì thành công quá nhiều. "Bạn có thể suy ngẫm và phân tích để không lặp lại những sai lầm đã phạm phải. Điều này khó khăn hơn nhiều so với việc phá hủy thành công để học hỏi làm thế nào để tiến bộ", ông nói.
Chàng trai trẻ 'không ai thèm thuê' khởi nghiệp thành lập công ty tỷ đô(VietQ.vn) - Dưới đây là câu chuyện về chàng trai 29 tuổi từng bị nhiều công ty từ chối đã đứng ra thành lập công ty khởi nghiệp và theo đuổi đam mê đích thực.
Cảnh Nguyễn
Tin liên quan
Copyright © 2016 Queen Coffee. Thiết kế web bởi Ngon Hai Dang Co.,Ltd