'Dở khóc dở cười' với quà từ thiện - Lao Động

'Do khoc do cuoi' voi qua tu thien - Anh 1

Những món quà không phù hợp được đem ủng hộ đồng bào bão lũ (Ảnh chụp màn hình FB)

Thời gian vừa qua người dân miền Trung đang phải oằn mình gánh chịu hậu quả của những cơn lũ dữ. Nhìn hình ảnh những ngôi nhà bị ngập tới nóc, cây cối đổ rạp, trường học tan hoang, biết bao ha lúa, hoa màu chuẩn bị thu hoạch mất trắng, người dân khốn khổ vì lũ… đã khiến nhiều người, trong đó có tôi, không khỏi xót xa.

Từ thực tế ấy, rất nhiều tập thể, cá nhân đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy chung tay, giúp sức cho đồng bào đang phải sống chung với thiên tai, bão lũ. Không chỉ dừng lại ở những lời động viên, san sẻ từ xa, nhiều nhóm từ thiện đã thực hiện những hành động thiết thực như kêu gọi ủng hộ tiền, quần áo, nước sạch và thức ăn để giúp đỡ người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những món đồ hữu dụng ấy, nhiều nhóm từ thiện đôi khi cũng rất bối rối và lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười".

Ví dụ như mới đây, trên trang cá nhân của tài khoản H.N - người đứng ra tổ chức một đoàn cứu trợ cho bà con miền Trung đã chia sẻ câu chuyện khó xử khi kêu gọi mọi người quyên góp đồ từ thiện lại nhận được giày cao gót, váy áo điệu đà. Chị H.N chia sẻ trên Facebook: "Mình từ thiện cho bà con bị bão lũ ở Quảng Bình mà, các bạn cho mấy đồ này thì ai mà mặc được đây? Mặc đi dạ hội ngày nước lũ chăng".

Có lẽ, những ai thường xuyên đi làm từ thiện đều đã đôi lần ngỡ ngàng khi nhận được những kiện hàng ủng hộ từ một số cá nhân gồm quần áo thời trang hở hang, váy maxi hay những đôi giày cao gót... là những thứ mà ai đó đã gửi đến điểm tiếp nhận từ thiện khiến nhiều đoàn từ thiện nhận được đồ đều “méo mặt”.

Theo suy nghĩ cá nhân, những tấm lòng hướng về những công dân miền Trung đều rất thiết thực và rất quý, tuy nhiên, làm từ thiện làm sao cho đúng và phải gửi những món đồ phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng nhận quà cũng là một vấn đề cần lưu ý.

Vấn đề từ thiện hoặc làm tình nguyện không hề đơn giản, không phải chỉ đến nơi làm từ thiện mang cho, còn họ thì đi nhận, càng không phải là một sự ban phát ơn. Người làm từ thiện cần mang sứ mệnh kết nối tấm lòng của rất nhiều người đến những mảnh đời, những thân phận thì mình phải thật sự chu đáo về mọi mặt. Trong đó khâu tổ chức, đi tiền trạm cũng phải được chỉn chu, làm thật kỹ để mình xác định đúng vùng đối tượng cần giúp đỡ. Cần phải biết họ thiếu gì, cần gì, lúc đó sự giúp đỡ, tài trợ mới thật sự ý nghĩa cho người nhận.

Trong các buổi từ thiện do cá nhân tự tổ chức hoặc tham gia, tôi đã từng chứng kiến nhiều đoàn từ thiện vẫn còn chưa thống nhất trong việc phối hợp dẫn đến việc…bể “sô”. Đến nơi mà không trao được quà, không chia sẻ được gì nhiều làm người nhận lẫn người cho đều cảm thấy có lỗi và buồn.

Thêm vào đó, việc đi tiền trạm trước sẽ cho chúng ta biết được nơi mình đến có phải là nơi thực sự khó khăn không, đã được nhận quà từ thiện từ các tổ chức khác nhiều chưa, tránh tình trạng nơi nhiều nơi lại không có gì. Chưa kể đến có những đoàn từ thiện gửi đến tay đồng bào những đồ ăn, thức uống đã hết hạn sử dụng, khiến nỗi buồn càng như dày thêm cho người dân vùng lũ. Bởi đơn giản, của cho không bằng cách cho.

Ngô Thị Kim Chi