Cách làm bánh xèo ngon đúng kiểu miền tây

Bánh xèo – loại bánh đặc trưng của văn hóa ẩm thực dân gian Nam bộ có vị ngon dịu hết sức chân chất được đặt tên từ tiếng đổ bột vào chảo nóng. Có nhiều cách chế biến bánh xèo khác nhau từ các nguyên liệu đến kích cỡ của bánh hay là cách pha nước chấm, mỗi cách có mang những đặc trưng rất riêng của từng địa phương. Trong bài viết sau. Giới thiệu với các bạn cách làm bánh xèo theo phong cách miền tây nhé. Cách làm bánh xèo miền tây đơn giản cực nhanh

cach-lam-banh-xeo-mien-tay-6

 

Nguyên liệu để làm bánh xèo miền tây bao gồm:

– Bột bánh xèo: 1 gói 400 g

– Bột nghệ – Tôm: 150 g

– Thịt ba chỉ: 150 g – Nấm hương: 10 cái

– Hành hoa – Giá đỗ: 100 g – Cà rốt: 1 củ

– Nước lọc: 500 ml – Đỗ xanh cà vỏ: 50 g

– Dầu ăn, nước mắm,đường ớt, rau diếp, rau thơm các loại. Cách làm bánh xèo

cach-lam-banh-xeo-mien-tay-3

 

– Bánh xèo có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách pha bột và phần nhân bánh xèo. Với nước chấm, em học tập theo cách pha của mẹ Mun trong bài làm bánh gối hôm trước: – Trộn đều 3 thìa nước mắm, 1/2 thìa nước sôi, 1 thìa đường, 1/2 thìa bột ngọt, 2 trái ớt băm nhuyễn, 1 thìa tỏi đến khi đường và bột ngọt tan đều rồi cho 1 thìa chanh vào sao cho vừa ăn và hợp khẩu vị.

Bước 1:

– Các mẹ cho gói bột bánh xèo vào âu sạch cùng 1 thìa cà phê bột nghệ. Đổ 500 ml nước vào âu cùng hành lá thái nhỏ. Đánh đều để khoảng 30 phút trước khi đổ bánh.

cach-lam-banh-xeo-mien-tay-2

Bước 2:

Tôm, thịt rửa sạch. Sau đó, thịt thái mỏng, nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân thái sợi.

Bước 3:

Cho 1 ít dầu ăn vào chảo rồi cho thịt vào xào tiếp đến các mẹ cho tôm vào xào cùng nấm hương. Rồi nêm nếm bột nêm cho vừa ăn sau đó cho tôm thịt ra bát.

cach-lam-banh-xeo-mien-tay-4

Bước 4:

Với đậu xanh các mẹ nên vo sạch, ngâm nước khoảng 30 phút rồi cho vào chõ hấp chín. Giá đỗ rửa sạch để ráo, cà rốt gọt vỏ bào sợi.

Bước 5:

Đặt chảo lên bếp cho chảo nóng lên, rồi láng đều 2-3 muôi bột bánh xèo. Các mẹ nhớ lắc đều để hỗn hợp bánh xèo trải mỏng khắp chảo.

Bước 6: Các mẹ xếp lên bề mặt bánh một vài con tôm, thịt, thêm đỗ xanh, giá đỗ, cà rốt rồi đậy kín nắp chảo lại.

Bước 7: Đun lửa lớn từ 3-4 phút dùng muôi gấp bánh xèo làm đôi, rán đến khi phần vỏ vừa ý thì tắt bếp gắp bánh xèo ra đĩa. Bước 8: Lần lượt làm như vậy cho đến khi hết bột bánh và phần nhân nhé các mẹ. Vậy là em đã “khoe” xong công thức lám bánh xèo rất đơn giản mà mình không phải ra quán mới ăn được, lại rất an toàn nhé.

cach-lam-banh-xeo-mien-tay-5

Chúc các mẹ thành công với món ăn này nhé! Hy vọng có nhiều mẹ chia sẻ các cách làm món ngon trên này nhiều hơn để các chị em cùng học hỏi ạ.

Bánh xèo miền tây dân dã đi vào lòng người Việt Cũng tương tự như cách đặt tên bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh lá dừa…, xuất phát từ tiếng đổ bột vào chảo phát ra tiếng “xèo” mà loại bánh này được gọi tên là “bánh xèo”.

Bánh xèo là loại bánh dân gian có vị ngon đặc biệt, kết hợp được những đặc trưng của văn hóa ẩm thực dân gian Nam bộ. Cách chế biến bánh xèo khá đơn giản.

Trước tiên, ta lựa loại gạo ngon, ngâm qua đêm cho mềm, rồi cho vào cối xay thành bột. Sau khi xay xong, dùng vải mỏng lược bỏ tạp chất, sẽ cho ra một loại bột thật mịn.

Dùng bột nghệ pha với bột cho có màu vàng hấp dẫn, sau đó cho vào bột một ít nước cốt dừa, có nơi còn cho thêm trứng gà để bánh thơm và giòn hơn.

Nhân bánh thì tùy theo sở thích của từng vùng, có thể là giá hoặc bông điên điển, thịt ba rọi, tép, thịt gà, hoặc thịt vịt bằm nhuyễn… Bánh xèo thường ăn kèm với nhiều loại rau, thông thường như cải bẹ xanh, rau diếp cá, rau thơm, nhiều nơi bà con còn ăn với đọt xoài non, lá điều, lá cách, lá lụa, lá sung…

Riêng ở núi Cấm – An Giang, bánh xèo được ăn với các loại rau núi rất độc đáo. Nước chấm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng vị ngon cho bánh xèo. Tùy theo khẩu vị mà pha chế, nhưng nước mắm chấm bánh xèo phải có củ cải trắng, củ cải đỏ hoặc củ sắn xắt sợi.

Có một điểm khá đặc biệt là ăn bánh xèo chỉ nên ăn bằng tay. Dùng tay chọn rau và cuốn bánh ăn mới cảm nhận được hết hương vị của bánh xèo. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, trong ẩm thực bánh xèo, yếu tố thưởng thức bằng ngũ giác quan của con người được ông cha áp dụng rất thực tế. Đó là nghe được tiếng xèo xèo, nhìn thấy sắc vàng, xanh, đỏ, trắng, cam… và ngửi được mùi thơm, nếm được vị ngon, béo của bánh…

Độc đáo nhất là cầm bánh ăn bằng tay để cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của nó. Với người phương Nam, bánh xèo cũng có ý nghĩa thiêng liêng không kém bánh tét. Vì bánh xèo cũng làm từ gạo, nhân là thịt gia súc nuôi hay sản vật đánh bắt từ thiên nhiên, bao bọc bên ngoài là những loại rau lá trồng được quanh vườn.

Có lẽ vì ý nghĩa thiêng liêng như vậy, nên từ lâu, bánh xèo đã trở thành món “quốc hồn, quốc túy” trong ẩm thực của người phương Nam. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi bánh xèo luôn hiện diện trong mâm cúng mùng 5 tháng 5 âm lịch (tết Đoan Ngọ), hay các dịp lễ – hội, đám tiệc khác của mọi gia đình.

Hiện tại, có rất nhiều người ở khắp các tỉnh – thành sinh sống bằng nghề tráng bánh xèo. Bánh xèo cũng có mặt trong các nhà hàng lớn, giúp cho người thợ tráng có dịp phô diễn tài năng và nguồn thu nhập khá hơn…

Tiêu biểu nhất là nghệ nhân Mười Xiềm, người đại diện cho nghề làm bánh dân gian ở nước ta sang tận nước Mỹ để biểu diễn trong Lễ hội Đời sống dân gian vừa qua.

Trở về nước, Bộ VH-TT đã trao tặng nghệ nhân Mười Xiềm danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Nhờ đó, nghề làm bánh xèo gắn bó với gia đình dì Mười mấy chục năm qua giờ đã có thương hiệu.

Dì Mười cho biết, thật ra dì chẳng có bí quyết gì trong cái nghề mà dì đã làm từ thời con gái. Nét riêng ở đây là dì vẫn giữ cách xay bột bằng cối đá truyền thống để có được một loại bột mịn và dai khi tráng bánh. Do vậy, bánh của dì làm rất ngon, có thể nói là nổi tiếng nhất ở miền Tây.

Ngày nay, trong những quán nhỏ ven đường, hay trong nhà hàng sang trọng, người dân đồng bằng vẫn âm thầm gìn giữ những món ăn dân gian do ông bà truyền lại. Đó thực sự là vốn quý bởi nó giúp nhiều gia đình vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa góp phần gìn giữ những món ăn truyền thống đã có từ hàng trăm năm trước.