15 tuổi, nhiều học sinh Việt Nam không biết bơi, nấu ăn - Người Đưa Tin

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.

Mới đây, vụ tai nạn do đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi tử vong khiến dư luận bàng hoàng, hay vụ 5 em học sinh tại Huế bị đuối nước do chưa rèn luyện được kỹ năng bơi cũng như cách cứu bạn khi bị đuối nước.

Trước nhiều vụ việc đó, dư luận đặt ra vấn đề có nên đưa thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông.

15 tuoi, nhieu hoc sinh Viet Nam khong biet boi, nau an - Anh 1

Rất nhiều vụ đuối nước thương tâm là do trẻ thiếu kỹ năng sống.

Bàn về sự cần thiết của chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ em, chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi đã gửi ý kiến đóng góp tới báo Người Đưa Tin để mong giảm những vụ tai nạn thương tâm do đuối nước.

Theo bà Chi, để bảo vệ tính mạng của trẻ, các bậc phụ huynh sẽ phải cùng phối kết hợp với nhà trường giáo dục, huấn luyện, đưa những buổi học dạy kĩ năng mềm cho học sinh thành những buổi học chính khóa, để học sinh có thể trang bị cho mình những kĩ năng sống cần thiết.

15 tuoi, nhieu hoc sinh Viet Nam khong biet boi, nau an - Anh 2

Chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi.

Bà Kim Chi dẫn chứng, người Nhật quan niệm dạy kĩ năng sống cho trẻ không phải từ khi bắt đầu đi học mà phải dạy từ khi trẻ mới sinh ra hoặc ngay tại Anh quốc học sinh tiểu học đã được học về cách quản lý tài chính và môn này trở thành môn bắt buộc dù các em còn rất nhỏ. Một báo cáo công bố mới đây của Quốc hội Anh cho rằng giáo dục tài chính từ sớm giúp các em ý thức được sự tiết kiệm.

Còn tại Việt Nam những kĩ năng như: phòng tránh tai nạn với nước, lửa, điện, tai nạn ngã thương tích, thiên tai hay các tình huống khẩn cấp, cách bảo vệ người khác, xử lý các tình huống gặp nạn, tránh để bị bắt cóc, dụ dỗ theo người lạ, kĩ năng xây dựng mối quan hệ với người khác... học sinh vẫn chưa được trang bị những kiến thức cơ bản này.

Khi được hỏi về vấn đề giáo dục trẻ em ở bậc tiểu học với các kĩ năng sống, bà Kim Chi cũng cho rằng: Bản thân các thầy cô giáo cũng phải nhận định rằng việc dạy kĩ năng sống cho học sinh là cấp thiết. UNESCO đã khuyến cáo về 4 trụ cột của học tập thế kỷ 21 là: Học để biết; Học để làm; Học để cùng chung sống; Học để làm người.

Từ góc độ quản lý, bà Chi cho rằng: Ngành giáo dục cần tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng mềm vào các giờ học chính khóa. Việc giáo dục không chỉ dừng lại “dạy chữ”, mà còn “rèn người”, giúp học sinh dễ dàng hòa nhập với xã hội, biết tự vệ, biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích.

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thu Hương – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc học hiện nay của học sinh thường thiên nặng về các môn khoa học, xã hội nhưng quên mất rằng những môn gắn bó mật thiết với con người, cuộc sống như: Thể dục, Thủ công, kỹ năng sống… thì lại không được coi trọng..

“Học sinh Việt Nam đâu có được học cách xử lý thế nào khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… Bởi thế nên chúng ta mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước.

Trong khi ở nhiều nước học sinh được học nấu ăn từ mẫu giáo thì rất nhiều em lớp 9 ở Việt Nam vẫn không biết tự nấu ăn hay chăm sóc bản thân. Đó là hệ quả một phần của nền giáo dục và sự thiếu quan tâm trong giáo dục kỹ năng sống của bố mẹ đến con cái. Một số môn Thủ công, Âm nhạc nội dung kiến thức vừa dễ quá mà những điều cần học thì chưa được đưa vào” – bà Hương nhấn mạnh.

Công Luân